Điện ảnh Việt Nam cần hơn những bộ phim phản ánh hiện thực

Điện ảnh Việt Nam trước đây có thể nói là khá nhạt nhòa trên trường quốc tế. Các bộ phim Việt đều theo hơi hướng hài sáo rỗng, nội dung không mấy chất lượng, những cảnh hành động đều chưa được trau chuốt tỉ mỉ nên nhìn chung các bộ phim đều không được thành công như mong đợi. Thậm chí một số bộ phim còn có kinh phí đầu tư khủng nhưng chất lượng phim lại không được quá chú ý. Theo nhiều ý kiến, để có được một bộ phim hay, nhà làm phim cần chú ý đến yếu tố nội dung, phim phải phán ánh được chất lượng cuộc sống, nêu ra những thông điệp ý nghĩa đồng thời chạm đến cảm xúc của người xem.

Chia sẻ của NSND Tự Long về thực trạng phim rạp

NSND Tự Long thú nhận, anh chưa bao giờ ra rạp xem phim. Chỉ đến bộ phim Bố già mới khiến anh thay đổi. Phim Bố già do Trấn Thành là nhà sản xuất ra rạp hồi đầu tháng 3. Ngay lập tức, phim được đón nhận nhiệt tình. Ngay tuần đầu ra mắt, doanh thu đã thống lĩnh phòng vé. Phim gây xôn xao xã hội. Người nói xem xúc động, người cho rằng đây là tác phẩm điện ảnh chưa thực sự xuất sắc. Nhưng dù gì đi nữa, Bố già là phim Việt hiếm hoi kéo lượng khán giả khổng lồ đến rạp.

NSND Tự Long nói về tình hình thực trạng phim rạp Việt Nam
NSND Tự Long nói về tình hình thực trạng phim rạp Việt Nam

NSND Tự Long cũng là một trong số đó. Theo anh, bộ phim không phải là tác phẩm quá nghệ thuật, đôi chỗ dùng thoại nhiều thay vì mượn hình ảnh để diễn đạt câu chuyện cần nói. Tuy nhiên điều anh thích nhất ở Bố già là những phút giây lắng đọng người xem. ‘’Nói thật, từ bé đến giờ tôi chưa ra rạp, chỉ xem phim qua TV. Lần này nhờ sức hút của Bố già, tôi thử phá bỏ thói quen cổ hủ của mình. Bố già đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi và chắc chắn trong tương lai sẽ chăm chỉ ra rạp hơn”, NSND Tự Long nói.

Vì sao ‘Bố già’ được khán giả đón nhận?

Bố già là tác phẩm điện ảnh đầu tay của MC Trấn Thành với tư cách đồng sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên chính. Phim kéo 5 triệu khán giả đến rạp trong tháng 3, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Tính đến 5/4, theo thống kê của Box Office Việt Nam, Bố già mang về 400 tỷ đồng, vượt xa kỳ tích của bom tấn tỷ đô Avengers: Endgame khi công chiếu 2 năm trước.

Bố già chỉ tốn khoảng 23 tỷ đồng chi phí sản xuất. Phim ra mắt vào thời điểm rạp chiếu đang khát phim, đặc biệt sau hàng loạt rạp chiếu tại TP.HCM đóng cửa để phòng dịch Covid-19. Tác phẩm này cũng không hề phải đương đầu với bất cứ bom tấn lớn nào của Hollywood.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng với thị trường điện ảnh Việt lúc này, yếu tố cảm xúc quyết định phần lớn thành công của phim. Những vấn đề khác như truyền thông, marketing, diễn viên, ngôi sao, câu chuyện bên lề chỉ là tác nhân thúc đẩy. “Nếu phim có cảm xúc đủ mạnh nó sẽ biến thành tên lửa bay vào vũ trụ”, anh nói.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm ngay sau suất chiếu đầu tiên của Bố già chia sẻ: “Phải rất lâu rồi trong hơn 20 năm theo dõi phim Việt Nam chiếu rạp, phải trả giá với biết bao thảm họa đến sang chấn tâm lý, hôm nay tôi mới xem được một bộ phim Việt nguyên bản trọn vẹn và chạm đến trái tim”.

Những bộ phim gây cười sáo rỗng thất bại thảm hại

Lý do phim thất bại về doanh thu

Bên cạnh những bộ phim doanh thu lớn, thành công vang dội, một số tác phẩm điện ảnh lại nhận trái đắng. Bộ phim mới công chiếu dịp Giáng sinh 2020 – Người cần quên phải nhớ của bộ đôi nhà sản xuất và đạo diễn từng đứng sau nhiều bộ phim thành công về doanh thu: Charlie Nguyễn – Đức Thịnh.

Charlie Nguyễn thừa nhận: “Không nhà làm phim lớn nào trên thế giới không từng thất bại. Tôi luôn nói với cộng sự là sẽ làm hết sức, còn kết quả là trời tính. Nhưng khi phải đối diện thất bại, cũng là lúc tôi nhìn lại mình’’. Theo anh, một trong những nguyên nhân khiến bộ phim không được đón nhận là chưa có được câu chuyện để khán giả vỡ òa cảm xúc.

Bộ phim thất bại thảm hại về mặt doanh thu
Bộ phim thất bại thảm hại về mặt doanh thu

Charlie Nguyễn phân tích: “Để chạm đến trái tim khán giả thì phải thể hiện qua nhân vật. Điều này do chúng tôi chưa đồng hành với nhân vật hết mức. Nếu khán giả khóc khi xem phim. Đó là họ đồng cảm và thương nhân vật. Họ đau vì nỗi đau của nhân vật. Vì sao họ phải thương một anh chàng giang hồ? Vì sao họ phải thương một cô nhà báo muốn dùng cái chết của cha mình để lên trang nhất? Đó là điều chúng tôi chưa làm được”.

Nội dung phim nên được đề cao

Người cần quên phải nhớ chỉ thu về 1,9 tỷ đồng trong khi chi phí sản xuất khoảng 20 tỷ đồng. Doanh thu của phim này còn khá hơn nhiều một số bộ phim khác ra rạp gần đây. Kiều @ ra rạp từ 26/2 chỉ thu về 808 triệu đồng. Nội dung phim bị cho là thảm họa. Hoa Phong Nguyệt Vũ công chiếu ngày 4/12/2020 cũng rút khỏi rạp, chỉ thu về 756 triệu đồng.

Sám hối, phim hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam với kinh phí được nhà phát hành công bố là 50 tỷ đồng chỉ thu về 915 triệu đồng. Hai bộ phim ra rạp gần đây cũng nếm mùi thất bại là Cậu vàng và Võ sinh đại chiến. Chi chí sản xuất của 2 phim này lên tới 20 tỷ theo thông báo của nhà sản xuất. Nhưng Cậu vàng chỉ thu về 3 tỷ sau 2 tuần trụ rạp. Võ sinh đại chiến thu 1,36 tỷ sau gần 1 tuần ra rạp. Điểm chung của những bộ phim này là yếu ở nội dung, thiếu cảm xúc.

Kinh phí đầu tư phim cao nhưng lỗ nặng

Trong 13 phim đạt doanh thu trăm tỷ của điện ảnh Việt, 11/13 phim có yếu tố hài, 8/13 phim đậm chất lãng mạn, 2/13 phim có yếu tố hành động.

Phim giật gân đã lỗi mốt?

Hai phim gần đây nhất doanh thu cao là Bố già và Tiệc trăng máu. Chúng đều thuộc thể loại chính kịch pha hài. Điểm chung của hai bộ phim này là đều có yếu tố kịch tính. Phim nhiều nút thắt và chứa nhiều thông điệp trong đó.

Chúng ta đã bước qua thời kỳ làm phim giật gân, chiêu trò. Chỉ có 1 phim kinh dị duy nhất trong nhóm doanh thu trăm tỷ là Lật mặt: Nhà có khách (2019). Điều này phản ánh rất rõ xu hướng làm phim cũng như xu hướng xem phim của khán giả trong những năm gần đây. Dòng phim có thông điệp, nhấn vào cảm xúc người xem đang lấn át dòng phim giải trí đơn thuần.

Cần hơn một bộ phim phản ánh hiện thực

Có thể thấy, nội dung, chủ đề tiếp cận công chúng sẽ quyết định thành – bại và lỗ – lãi của một phim. Nếu chỉ làm phim thỏa mãn nhà sản xuất hay cái tôi của đạo diễn thì có thể nhìn thấy trước hậu quả của nó.

Phim ảnh không chỉ mang tính giải trí mà qua đó đề cập đến thực tại của xã hội. Nó là hơi thở của thời đại qua những câu chuyện dung dị. Cách tiếp cận người xem là những vấn đề lớn nhưng bằng câu chuyện nhỏ. Nó cần chạm đúng vào suy nghĩ sâu kín của mỗi người. Từ đó nói lên những trăn trở của xã hội. Bố già, hay Tiệc trăng máu đã thành công nhờ cách tiếp cận đó. Mặc dù phim còn có những thiếu sót dưới góc nhìn của giới chuyên nghiệp. Nhưng không ai phủ nhận sự chân thực và chạm đến trái tim khán giả. Điều này khiến cho những yếu tố khác bị lu mờ.

Bố Già của Trấn Thành đang thăng hoa tại các rạp phim nước ngoài
Bố Già của Trấn Thành đang thăng hoa tại các rạp phim nước ngoài

Nói lên những khát vọng, phản ánh hiện thực cuộc sống và chạm đến cảm xúc của công chúng là yếu tố sống còn của một bộ phim, nói như nhà phê bình Lê Hồng Lâm thì chỉ có những bộ phim như vậy mới giải thoát điện ảnh Việt khỏi bế tắc và khủng hoảng.

Chưa đủ hấp dẫn trên nền tảng số

Tốp 10 phim người dùng Netflix xem nhiều nhất tại Việt Nam trong thời gian gần đây đều là của Hàn và Mỹ: “Itaewon Class” (Tầng lớp Itaewon – Hàn Quốc), “Crash landing on you” (Hạ cánh nơi anh – Hàn Quốc), “Hi bye, mama” (Mẹ đến từ thiên đường – Hàn Quốc)… Ở ngày đầu Netflix ra mắt tính năng xếp hạng mới này, phim truyền hình Hàn Quốc từng chiếm gần hết tốp 10 (7/10). Đặc biệt, phim “Girl from nowhere (Cô gái đến từ hư vô) đã được Thái Lan sản xuất từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn đủ sức chinh phục khán giả Việt, liên tục có mặt trong tốp 10. Trong khi đó, 29 phim điện ảnh và 1 phim truyền hình Việt không biết đang nằm ở vị trí nào.

Phim Việt khó tìm kiếm khán giả ngay tại “sân nhà”. Đây là điều khiến không ít người trong giới chạnh lòng. Có thể thấy, Netflix quan tâm đến thị trường Việt khi tăng mạnh lượng phim Việt trong kho của mình nhằm cung ứng cho một lượng lớn khán giả không thích hoặc không có điều kiện đến rạp.

Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa: “Tôi nghĩ phim Việt trên Netflix chưa hấp dẫn khán giả bằng những tác phẩm của Hàn Quốc, Trung Quốc… là do chất lượng chưa đủ sức thu hút. Trên các nền tảng số hóa, khán giả ngày càng đòi hỏi những nội dung hấp dẫn. Họ không đơn thuần như trước. Muốn có được những tác phẩm như thế, nhà sản xuất Việt phải đầu tư nhiều hơn. Đặc biệt cần trau chuốt từ nội dung đến hình thức cho các tác phẩm của mình”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *